Gieo Thói Quen Gặt Tính Cách Có Nghĩa Là Gì?

Cuộc sống là một bức tranh muôn màu muôn vẻ và con người là những cá thể duy nhất, đặc biệt. Chính sự đa màu sắc của cuộc đời là một trong những yếu tố tạo nên những cá tính riêng biệt cho mỗi cá nhân. Và phần lớn những tính cách của chúng ta được hình thành là bởi những suy nghĩ cùng những thói quen hằng ngày, đúng như câu ngạn ngữ: “ Gieo thói quen gặt tính cách”. Để hiểu một cách sâu sắc và đa chiều về câu nói trên thì chúng ta hãy cùng nhau đọc qua bài viết sau nhé!

  1. Thói quen là gì? Tính cách là gì?

“Thói quen” là cách sống được thể hiện qua hành vi bên ngoài của con người và được lặp đi lặp lại thường xuyên, mỗi ngày. Ví dụ như thói quen đọc sách, thói quen dậy sớm, thói quen ỷ lại,…

“Tính cách” là đặc điểm tâm lý ổn định biểu hiện qua hành vi và thái độ đối với sự vật, sự việc bên ngoài, nội tâm bên trong con người, tính cách làm nên điều riêng biệt cho mỗi cá thể. Chẳng hạn tính cách hèn nhát, tính cách mạnh mẽ, tính cách gan dạ,…  

“Gieo – gặt” ở đây là cách nói hình tượng cho mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Nếu một thói quen được biểu hiện một cách có ý thức sẽ là cơ sở để tạo nên “tính cách”. Vậy nội dung của câu ngạn ngữ muốn đề cập đến vấn đề đó là mối quan hệ nhân quả giữa thói quen với tính cách.

  • Ý nghĩa của câu “gieo thói quen gặt tính cách”

Câu ngạn ngữ trên tuy ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc và đáng để chúng ta suy ngẫm. Việc hình thành nên tính cách của con người cũng giống như là việc trồng cây vậy. Nếu bạn gieo những hạt giống tốt và biết cách chăm sóc, nâng niu thì sẽ có ngày cho ta quả ngọt; ngược lại nếu bạn bỏ mặc chúng, không quan tâm đến hạt giống mình trồng thì khó có được thành quả như mong đợi. Cho nên, khi bạn rèn luyện cho mình những thói quen tốt thì sẽ góp phần định hình cho mình tính cách tốt hơn. Còn nếu bạn thường xuyên có những thói quen xấu thì chính bản thân sẽ dần dần hình thành tính cách không tốt đẹp.

Một vài ví dụ cụ thể về thói quen tốt, thói quen tập thể dục thể thao tạo ra tính cách siêng năng, thói quen đọc sách sẽ tạo cho bạn tính cách điềm đạm và lịch thiệp; thói quen biết giúp đỡ những người xung quanh hay những ai gặp khó khăn sẽ tạo ra tính cách nhân hậu. Còn những thói quen xấu như thói quen ỷ lại sẽ tạo nên tính cách lười biếng, thụ động; thói quen nói dối làm nên tính cách thiếu trung thực.

Như vậy thói quen hình thành tính cách nhưng tính cách còn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác. Do đó, ta không thể phủ nhận hoặc khẳng định một cách tuyệt đối sự chi phối của thói quen với tính cách mà chúng ta chỉ nên lấy đó là một cơ sở để rèn luyện những thói quen tốt, tự chính bản thân được quyền chủ động quyết định tính cách của mình.

  • Bài học nhận thức

Qua câu ngạn ngữ trên, chúng ta hoàn toàn ý thức được tính cách hình thành nên trong mỗi con người là có sự góp mặt của những thói quen, lối sống hàng ngày. Cho nên, nếu những ai trong chúng ta trước giờ có những thói quen chưa lành mạnh, tiêu cực thì hãy sửa đổi để chúng không ảnh hưởng đến tính cách, tác phong sinh hoạt, làm việc của chúng ta, bởi những thói quen thường rất dễ ăn sâu bám rễ và khó từ bỏ. Còn nếu bạn là một người ý thức được những gì mình làm, biết xây dựng những thói quen tốt đẹp thì hãy phát huy chúng hơn nữa để cuộc sống của chúng ta trở nên tươi đẹp, có chiều sâu; đồng thời giúp bạn hoàn thiện hơn về nhân cách, có thái độ sống lành mạnh và nhận được sự ngưỡng mộ từ mọi người.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có những cảm nhận riêng về câu ngạn ngữ “Gieo thói quen gặt tính cách”. Việc tính cách được hoàn thiện là một quá trình phát triển của con người, do đó sẽ không bao giờ là muộn, chỉ cần chúng ta có ý thức, có những suy nghĩ tích cực cũng như thói quen tốt thì những điều tốt đẹp sẽ mỉm cười. Đây là một câu nói đáng để chúng ta suy ngẫm bởi vì “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”.